Chợ đêm Đà Lạt (chợ Âm Phủ) là một trong những ngôi chợ đêm đầu tiên ở Việt Nam hoạt động từ 18h đến sáng hôm sau. Không chỉ là trung tâm mua bán sầm uất nhất của thành phố ngàn hoa, chợ đêm còn là điểm đến hấp dẫn du khách tham quan.
Mỗi đêm chợ Âm Phủ đón hàng nghìn lượt khách. Du khách có thể tìm thấy gần như tất cả mọi thứ từ đồ dùng đến đồ ăn, quà lưu niệm ở chợ đêm.
Chợ đêm dần trở thành một nét văn hoá thú vị ở Đà Lạt (Lâm Đồng). "Mình đi chợ đêm như thói quen, lần nào đến Đà Lạt cũng phải dạo một vòng chợ dù không mua sắm, ăn uống gì", Tuấn Anh, sinh viên năm 3 một trường đại học ở TP.HCM chia sẻ.
Không chỉ hấp dẫn với du khách trong nước, chợ đêm Đà Lạt còn là trải nghiệm độc đáo với nhiều du khách quốc tế. Một nhóm du khách người Anh hào hứng nói: "Chúng tôi đã đi chợ này 2 đêm rồi nhưng vẫn chưa khám phá hết, đồ ăn ở đây rất tuyệt nhưng thi thoảng chúng tôi vẫn thấy hơi đắt". Theo nhiều du khách, ẩm thực Đà Lạt không quá đặc biệt, nhưng chính thời tiết se lạnh đã khiến du khách ngon miệng hơn.
Vào lúc cao điểm, du khách gần như kẹt cứng ở chợ Âm Phủ. Xe máy gần như không di chuyển được, người đi bộ phải len lỏi chút một qua dòng người dày đặc.
Là điểm đến yêu thích của thành phố nhưng chợ đêm Đà Lạt vẫn tồn tại rất nhiều bất cập như: lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, đồ ăn mất vệ sinh, nạn "chặt chém" du khách, xả rác bừa bãi thậm chí còn có cả ẩu đả, trộm cắp.
Nói với Zing.vn, cô T.T.H., chủ một gánh hàng rong cho rằng: "Chợ đêm ngày càng lộn xộn, nhiều tệ nạn, có người còn mang cả bàn ghế ra giữa đường ngồi bán, không theo hàng lối gì cả".
Chợ Âm Phủ giờ còn xuất hiện những nhóm người chuyên đi lừa đảo, "xin đểu" du khách. Có quán ăn còn hét giá cao ngất ngưởng và sẵn sàng hành hung du khách.
Gần đây chợ đêm còn có một nhóm trẻ em và phụ nữ người đồng bào đi ăn xin. Họ thường ngồi ở nơi có nhiều người qua lại cho đến khi vãn khách.
Quá tải du khách, thiếu đồng bộ trong quản lý, chợ Âm Phủ ngày càng nhếch nhách, mất vệ sinh. Rác thải từ các cửa hàng, của du khách xả thẳng xuống lòng đường và chỉ được dọn dẹp khi đã vắng khách.
Hàng chục thùng rác được tập kết trước tượng đài Phụ nữ Đà Lạt. Quanh đó là các quán nước, quán ăn lề đường tấp nập du khách ra vào.
Một quầy ốc đêm được bày bán ngay dưới lòng đường, xung quanh là các sạp quần áo. Những người có kinh nghiệm du lịch Đà Lạt thường nhắc nhau đừng mua hoặc ăn uống gì trong chợ đêm vì nếu không cẩn thận có thể bị mua hớ hoặc ăn phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
Chị Thảo, nhân viên dọn vệ sinh của chợ đêm nói ở đây chia làm 3 ca để quét dọn nhưng vào những đợt cao điểm vẫn không đảm bảo được vệ sinh sạch sẽ. "Du khách đổ về quá đông, chợ lại thiếu thùng rác công cộng nên nhóm của chị thường phải làm việc đến đầu giờ sáng hôm sau mới xong việc", chị cho biết.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến cảnh bát nháo, nhếch nhác ở chợ đêm Đà Lạt là do thiếu đồng bộ trong việc quản lý của chính quyền địa phương. Hiện có ít nhất 3 đơn vị quản lý tại chợ đêm Đà Lạt. Từ cuối năm 2011, công ty Hiệp Thanh Bình được UBND TP Đà Lạt giao quản lý chợ này. Tuy nhiên có 52/120 gian hàng không hợp tác với công ty và kiến nghị được phường 1 quản lý. Riêng khu ẩm thực trước thương xá Latulip (sát cầu thang chợ) lại do Ban quản lý chợ Đà Lạt thu lệ phí.
( nguồn zing.vn)
Đặt vé máy bay đi Đà Lạt giá rẻ. Liên hệ website http://baydep.vn Hotline 24/7 : 1900 0080
15/05/2018 5:46:56 CH
-
4729